Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết trào ngược dạ dày thực quản còn gọi là GERD (Gastroesophageal Reflux Disease), là tình trạng rối loạn mạn tính của cơ thắt thực quản dưới làm cho dịch dạ dày bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi trào lên thực quản gây viêm và tổn thương ở đường tiêu hóa và hô hấp trên.
Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường có cảm giác nóng rát lan tỏa dọc phía cổ họng. Ảnh:
Medical News Today
Bệnh thường gặp ở người béo phì, hút thuốc lá, người già, phụ nữ mang thai, đang sử dụng thuốc (kháng histamin, giảm đau, chống trầm cảm, an thần), người lo âu trầm cảm, ít vận động thể lực.
Các triệu chứng thường gặp gồm ợ nóng với cảm giác nóng rát phía dưới mũi xương ức, thường lan tỏa dọc lên phía cổ họng. Ợ chua khi thức ăn đã tiêu hóa kèm axit trong dạ dày trào lên thành sau cổ họng tạo ra vị chua. Một số triệu chứng khác như đau thắt ngực không do bệnh lý tim mạch, đau thượng vị, đầy bụng, rối loạn giấc ngủ do ợ nóng, nấc, đau họng dai dẳng, khàn giọng, khò khè, hôi miệng, nghẹn vướng cổ họng, hư tổn men răng. Những triệu chứng trở nên nặng hơn sau bữa ăn quá no, ăn chất chua cay, nhiều dầu mỡ, chocolate, uống rượu bia và nghiêm trọng hơn khi nằm ngửa hoặc ngồi cúi ra phía trước.
"Bệnh có thể gây viêm thực quản, hẹp thực quản, ung thư biểu mô tuyến thực quản, hen suyễn, viêm thanh quản mạn tính, sâu răng, viêm xoang mạn tính, viêm tai giữa tái phát nhiều lần", bác sĩ Nhi nói.
Cách điều trị:
Thuốc
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là thuốc điều trị chính với mục đích làm giảm tiết axit dạ dày. Các phác đồ khởi trị PPI với liều tấn công trong 4 đến 8 tuần sau đó điều trị duy trì với liều giảm dần. Ngoài ra, bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc khác như ức chế thụ thể H2, Alginate kết hợp với một số thuốc trợ vận động như Domperidone, Methochlopramide...
Phẫu thuật
Khi điều trị nội khoa không thành công và có biến chứng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Y học cổ truyền
Tùy theo thể bệnh của người bệnh, dược sĩ sẽ sử dụng các vị thuốc trong nhóm hành khí giải uất, sơ can, lý khí hòa vị, kiện tỳ kết hợp tùy theo thể bệnh. Các bài thuốc hay sử dụng như tiêu dao tán, bán hạ hậu phác thang.
Châm cứu
Có nhiều phương thức điều trị như hào châm, cấy chỉ, nhĩ hoàn. Các huyệt thường dùng là trung quản, đản trung, nội quan, túc tam lý, thái xung, công tôn, tam âm giao, vùng thần môn, giao cảm, tỳ, vị...
Dưỡng sinh
Bệnh nhân có thể thư giãn, giảm stress bằng các bài tập thở dưỡng sinh.
Chế độ sinh hoạt
Người bệnh nên giảm cân nếu béo phì, không hút thuốc lá, tránh các bữa ăn tối muộn (ăn trước ngủ 2-3 tiếng), tránh nằm ngay sau ăn, nâng cao đầu giường khi ngủ. Hạn chế thức ăn chua cay, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, chocolate, rượu bia, đồ uống có ga, không uống nước trong bữa ăn. Thư giãn, giảm stress là yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh.
Theo bác sĩ Nhi, trào ngược dạ dày thực quản cần được bác sĩ thăm khám cẩn thận để đưa ra phác đồ điều trị kết hợp chế độ sinh hoạt để tránh tái phát. Khi có các triệu chứng nuốt khó, nuốt đau, khàn tiếng, nôn ra máu, nghẹt thở, khó thở về đêm, sụt cân, cần phải đến ngay bệnh viện để khám và thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng.
Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh gì?
00:14