BS Nguyễn Tiến Thành, khoa Ngoại - Chuyên khoa, BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, bệnh nhi Hoàng Gia V. (3 tuổi, Kinh Môn, Hải Dương) được bố mẹ đưa đến BV khám do kiểm tra không thấy tinh hoàn trái trong bìu.
Kết quả siêu âm cho thấy, hình ảnh tinh hoàn trái nằm trong lỗ bẹn nông, kích thước 9x5 mm, nhu mô đều, không có khối khu trú, xung quanh không có dịch...
Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán, tinh hoàn trái lạc chỗ và chỉ định phẫu thuật hạ tinh hoàn.
Ekip bác sĩ phẫu thuật hạ tinh hoàn cho bệnh nhi. |
Sau mổ hiện tại sức khỏe của bé ổn định, dự kiến sau khoảng 3 ngày bé có thể xuất viện về với gia đình.
BS Thành cho biết, tỉ lệ tinh hoàn ẩn chiếm 33% ở bé trai sinh non, 3,4% ở trẻ sinh đủ tháng. Đây là tình trạng tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bìu) khi trẻ đã được sinh ra mà nằm trong ổ bụng hoặc trên đường di chuyển từ bụng qua ống bẹn, xuống bìu.
Tin tài trợ
Bác sĩ khuyến cáo, các trường hợp tinh hoàn ẩn bẩm sinh cần được phát hiện sớm và can thiệp khi trẻ trước 1-2 tuổi để giữ được chức năng sinh sản của tinh hoà vì bìu là nơi có nhiệt độ thấp hơn (33°C) so với nhiệt độ cơ thể (37°C) giúp cho tinh hoàn sản xuất tinh trùng tốt nhất.
“Để càng lâu, nguy cơ mất chức năng sinh sản, sinh dục càng lớn. Thậm chí, trẻ có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn do bị nằm lạc chỗ quá lâu. Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân bị ẩn tinh hoàn có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao gấp 5-10 lần so với người bình thường. Tinh hoàn nằm càng cao thì nguy cơ ung thư hoá càng lớn”, BS Thành thông tin.
Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp do tinh hoàn ẩn như xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn…
Do vậy, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra bằng cách sờ nắn 2 bên bìu của trẻ để so sánh phát hiện sớm các bất thường, kịp thời can thiệp.